Saturday, 20/04/2024 - 15:42|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Lan Giới

Ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học: Không vì khó khăn mà thay đổi mục tiêu, kế hoạch

Nhằm chuẩn bị cho việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công nghệ thông tin (CNTT) trong quý IV năm 2019 và năm học 2019-2020, ngày 07/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp cùng Viettel Bắc Giang tổ chức Hội nghị tham vấn một số nội dung trọng tâm về CNTT. Đồng chí Trần Tuấn Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT dự và chủ trì Hội nghị.

  Dự Hội nghị, về phía Sở GD&ĐT có các đồng chí lãnh đạo Sở, trưởng các phòng thuộc Sở và chuyên viên theo dõi CNTT các phòng Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học và Giáo dục Dân tộc, Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính và Văn phòng; đại diện phòng GD&ĐT các huyện, thành phố có lãnh đạo, chuyên viên theo dõi CNTT phòng GD&ĐT TP Bắc Giang; các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT có lãnh đạo và cán bộ phụ trách CNTT các trường THPT Ngô Sĩ Liên và Lục Nam. Về phía Viettel Bắc Giang có ông Nguyễn Trọng Đảng - Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp Viettel Bắc Giang cùng một số chuyên gia đến từ Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, cán bộ, nhân viên Chi nhánh Viettel Bắc Giang.

Quang cảnh Hội nghị

  Điểm lại các nhiệm vụ trọng tâm về CNTT mà ngành Giáo dục đang triển khai, đồng chí Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ rõ các nhiệm vụ toàn ngành đang thực hiện theo Đề án 550 của tỉnh về đẩy mạnh dạy tin học và ứng dụng CNTT trong trường phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Sau 02 năm triển khai, tới thời điểm hiện tại, nhiều nội dung ngành đã triển khai theo hướng đồng bộ từ Sở GD&ĐT đến phòng GD&ĐT và mỗi cơ sở giáo dục, kết quả nổi bật đó là sự thống nhất chung trong nhận thức và định hướng ứng dụng CNTT vào quản lý, dạy học, xây dựng hệ thống, hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị, giải pháp ứng dụng CNTT trong toàn ngành theo hướng đồng bộ, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương.

  Mỗi huyện, thành phố trong tỉnh, căn cứ các nội dung, mục tiêu của Đề án đã cụ thể thành kế hoạch riêng của địa phương và mục tiêu thực hiện hàng năm.

  Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng cho ứng dụng CNTT của toàn ngành đã và đang được trang bị, bổ sung kịp thời, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt động dạy học tin học và ứng dụng CNTT trong các nhà trường, 100% các cơ sở giáo dục đều được kết nối mạng Internet cáp quang, các lớp học từng bước được trang bị hệ thống màn hình, máy chiếu hoặc bảng thông minh nhằm phục vụ thiết thực cho hoạt động đổi mới phương pháp dạy học.

  Cùng với giáo dục cả nước, toàn ngành hiện đã bước đầu hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục, đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT theo quy định tại Thông tư 19 năm 2017 về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục và Thông tư 24 năm 2018 về chế độ báo cáo thống kê của ngành.

  Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT đã và đang được duy trì một cách thường xuyên, liên tục. Nhu cầu ứng dụng CNTT của đa số cán bộ, giáo viên cơ bản chuyển biến từ thụ động sang chủ động tiếp cận nhằm đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, đặc biệt trước yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và ngành giáo dục không nằm ngoài cuộc. Phong trào thiết kế bài giảng e-Learning đã và đang được duy trì và từng bước phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt số lượng giáo viên các cấp học tham gia ngày càng tăng, chất lượng các bài giảng ngày một nâng lên.

Đồng chí Nguyễn Văn Thêm điểm lại các nhiệm vụ trọng tâm về CNTT của ngành Giáo dục tỉnh.

  Song, ngoài những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức, triển khai nhiệm vụ của ngành còn nhiều mục tiêu, nội dung vẫn chưa theo kịp mục tiêu Đề án đã xác định, đặc biệt việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án trong giai đoạn tiếp theo cần bám sát các nhiệm vụ, yêu cầu mới về CNTT mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định tại các nghị quyết, kế hoạch, đồng thời đã được ngành Giáo dục cụ thể hóa tại Kế hoạch số 43 ngày 22/7/2019 của ngành triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.

  Trong khuôn khổ của Hội nghị, lần đầu tiên trong ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang khái niệm về “Trường học theo chuẩn thông minh” đã được bàn thảo, phân tích, đánh giá một cách tổng thể dựa trên nhiều hướng tiếp cận, từ nhà quản lý, cán bộ, giáo viên cho đến chuyên gia về giải pháp giáo dục. Đây cũng là một trong các nội dung trọng tâm mà Hội nghị hướng tới.

  Với thế mạnh là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã giới thiệu mô hình, giải pháp công nghệ tổng thể dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, gắn với định hướng, kiến trúc Chính phủ điện tử, ngành giáo dục điện tử... mô hình cho thấy rõ khung kiến trúc tổng thể về giải pháp công nghệ đối với các hệ thống thông tin, các quy trình nghiệp vụ từ quản lý cho tới dạy - học và giáo dục trong trường học cho tới các cấp quản lý, cha mẹ học sinh và xã hội dựa trên khả năng phân tích, chuẩn hóa, tích hợp, đồng bộ nhiều hệ thống thông tin, đặc biệt là những công nghệ lõi và hệ sinh thái giáo dục mà Tập đoàn đang gây dựng, phát triển và từng ngày hoàn thiện.

Các chuyên gia đến từ Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội trình bày tại Hội nghị.

  Với đặc thù của tỉnh Bắc Giang, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, việc nghiên cứu, chủ động áp dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến là nhiệm vụ tiên quyết trong việc sẵn sàng thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và định hướng phát triển chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Đặc biệt, vị thế của ngành Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, mang tính quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Điều đó thể hiện ngay từ việc thực hiện mục tiêu của Giáo dục cũng như các mục tiêu của chương trình giáo dục đã được thể chế trong các văn bản quy phạm pháp luật.

  Mặc dù quá trình thực hiện các nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, song trên tinh thần thống nhất, toàn ngành giáo dục từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản... nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trên tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

  Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của các đồng chí Lãnh đạo Sở GD&ĐT, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung trọng tâm của Hội nghị. Chủ yếu các ý kiến đề cập tới những khó khăn, thách thức trong việc triển khai các nhiệm vụ theo Đề án và kế hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến gợi mở hướng khắc phục những khó khăn, bất cập từ các giải pháp mà các chuyên gia đã trình bày dựa trên cơ sở thực tiễn, từ cơ sở.

  Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TUV. Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Nam trân trọng cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ của Viettel trong thời gian qua, đặc biệt tại Hội nghị này. Đồng chí xác định ứng dụng CNTT của ngành Giáo dục thể hiện chủ yếu tại hai mảng gồm dạy học Tin học và ứng dụng CNTT trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy học, trong đó yếu tố con người có ý nghĩa quyết định.

Đồng chí Trần Tuấn Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT.

  Đồng thời, trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần mạnh dạn thay đổi trong tư duy, từ đó tạo nên động lực, quyết tâm để đổi mới. Vấn đề khó khăn mà các đại biểu đã nêu lên tại Hội nghị quan trọng đó là tìm hướng tháo gỡ, thực hiện như thế nào và hơn hết đó là phải quyết tâm thực hiện, không vì khó khăn mà thay đổi mục tiêu, kế hoạch. Đồng thời, quá trình thực hiện cần phải phù hợp với thực tiễn, với đặc thù mỗi cấp học. Đồng chí yêu cầu các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị liên quan, đề xuất các nhiệm vụ cụ thể, tham mưu Lãnh đạo Sở để chỉ đạo thực hiện đối với từng cấp học, qua đó hoàn thiện theo kế hoạch, lộ trình chung của ngành.

  Có thể khẳng định, Hội nghị là một trong các hoạt động quan trọng của Sở GD&ĐT trong việc đánh giá, rà soát và khái quát kết quả sau 02 năm triển khai Đề án 550 của tỉnh. Đây cũng là dịp mà ngành được tham vấn các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tham dự tại Hội nghị,  từ đó tiếp tục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhằm hoạch định đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng CNTT trong năm học 2019-2020, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Ông Lê Văn Lực - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên trao đổi về trường học thông minh và kiến nghị giải pháp số hóa trong quản lý nhà trường phổ thông.

Ông Đỗ Văn Quý - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Bắc Giang trao đổi về tình hình ứng dụng CNTT tại TP Bắc Giang, những kinh nghiệm và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT của ngành

Ông Ngô Quốc Đường - Trưởng phòng GDTrH&GDDT, Sở GD&ĐT chỉ ra một số bất cập trong triển khai ứng dụng CNTT tại các nhà trường phổ thông, những vấn đề phát sinh và giải pháp khắc phục khi ứng dụng CNTT và số hóa

Bà Phạm Thị Ngọc Lan - Giám đốc BU Giáo dục, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thứ hai, từ phải) trao đổi, làm rõ hơn một số giải pháp CNTT của Tập đoàn

                                                                                Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang

Lượt xem: 13.743
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 190
Hôm qua : 1
Tháng 04 : 232
Năm 2024 : 575